Bạn chưa đăng nhập hoặc bài hát này không phải của bạn đăng.
Dùng cả tâm sức nghiên cứu về cuộc đời, con người Bác Hồ
Thưa giáo sư, cơ duyên nào ông lại chọn nghiên cứu và kể chuyện về cuộc đời Bác Hồ?
- Bác Hồ của chúng ta mất đúng vào ngày Quốc khánh 2/9/1969, cách đây 55 năm. Khi bác mất, tôi 25 tuổi, và đang đứng trên bục giảng để giảng về văn học và lịch sử cho học sinh trường phổ thông.
Khi đó, tôi có một diễm phúc, may mắn là được trực tiếp dự lễ tang Bác tại Quảng trường Ba Đình ngày 9/9/1969. Lúc đó, tôi được nghe bản điếu văn đầy cảm động do Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc bấy giờ đọc trước mấy chục vạn đồng bào dự lễ tang và Đảng ta cũng công bố di chúc của Bác trong lễ truy điệu trọng thể.
Không khí như vậy làm tôi hết sức xúc động và thầm tự nhủ sẽ đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào trong các nội dung giảng dạy và giáo dục thế hệ trẻ của mình. Đồng thời, tôi cũng nguyện sẽ dùng cả tâm sức của mình để nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác.
GS.TS Hoàng Chí Bảo đã có hơn 50 năm nghiên cứu, kể chuyện về Bác Hồ (Ảnh: Nguyễn Hải).
Đó cũng là một nhu cầu tinh thần, một thúc đẩy từ trái tim tôi với tấm lòng kính yêu và biết ơn Bác vô hạn - Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người sáng lập ra Đảng và Nhà nước ta...
Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác trong hơn nửa thế kỷ qua, tôi không chỉ viết sách, viết báo về các chủ đề tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mà còn cố gắng đáp ứng nhu cầu thiết tha của các bạn nghe đài, xem báo, nghe các hội nghị về Bác Hồ, nhất là khi Đảng ta có chủ trương toàn Đảng toàn dân học tập và làm theo lời Bác.
Việc kết hợp nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá tư tưởng của Bác trở thành nội dung chính yếu trong sự nghiệp khoa học của tôi.
Quá trình nghiên cứu và kể chuyện về Bác Hồ với người dân mọi miền Tổ quốc đã để lại những kỷ niệm khó quên nào trong giáo sư?
- Tôi đã từng đi kể chuyện về Bác Hồ trong các hội nghị, các buổi nói chuyện chuyên đề cho rất nhiều đối tượng khác nhau, từ các cơ quan của Đảng và Nhà nước ở Trung ương đến địa phương; từ thanh niên, sinh viên, học sinh cho đến cán bộ, đảng viên, quân đội, công an.
Mỗi lần trình bày, tiếp xúc với đông đảo các thính giả, các bạn đọc, tôi đều rất xúc động, bởi tôi đọc được trong ánh mắt của họ niềm xúc động khi nghe kể chuyện về Bác. Tôi cũng đọc được những suy nghĩ trong họ về việc nguyện học tập, làm theo lời Bác.
Những điều đó làm tôi rất cảm động và tự thúc đẩy bản thân làm sao nói tốt nhất, có sức truyền cảm nhất để có thể đem đến cho người nghe đài, đọc báo... cảm nhận được những cảm xúc thật tốt đẹp về Bác Hồ.
Có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc mà cả đời tôi không thể nào quên khi đi kể chuyện về Bác Hồ.
Tôi lấy ví dụ từng gặp như trên Hà Giang - miền địa đầu của Tổ quốc, người đồng bào các dân tộc đi làm nương, làm rẫy còn mang theo chiếc đài nhỏ để nghe lại những câu chuyện tôi kể về Bác Hồ.
GS.TS Hoàng Chí Bảo kể về những lần đi dọc đất nước kể chuyện về Bác Hồ (Ảnh: Nguyễn Hải).
Tôi đã đến các trường học để kể chuyện về Bác, các cháu học sinh nghe rất chăm chú. Sau những lần kể chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trường học, tôi nhận ra một điều là phương pháp truyền đạt rất quan trọng.
Các cháu học sinh tuy trẻ tuổi, ít kinh nghiệm và còn rất hồn nhiên nhưng đều có trong trái tim một tình cảm vô cùng trong sáng với Bác Hồ.
Tôi cũng không thể nào quên được kỷ niệm khi hết giờ buổi nói chuyện, các cháu học sinh ở Hà Giang, Bắc Giang, Phú Thọ... ùa lên để xin chữ ký. Nhiều cháu không được tôi ký vì quá đông, còn khóc nức nở.
Hay khi tôi tiếp xúc với các cư sĩ, phật tử, tăng ni, kể cả những người theo Đạo Thiên Chúa, linh mục tại các nhà thờ lớn, họ cũng bày tỏ một niềm xúc động chân tình khi nghe câu chuyện kể về Bác, nhất là đức hy sinh của Bác vì nước, vì dân.
Tựu trung lại, những buổi kể chuyện về Bác Hồ nhiều người nghe đã khóc, rơi những giọt nước mắt vô cùng chân thành và trong sáng, điều đó dường như giúp chúng ta xích lại gần nhau để hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn nữa với những lời dạy của Bác Hồ.
Người kể chuyện hóa thân vào Bác Hồ
Trong hơn 50 năm qua, giáo sư gặp những khó khăn, thuận lợi nào trong công việc nghiên cứu và truyền bá tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Tôi cho rằng, khó khăn nổi bật nhất khi nghiên cứu, kể chuyện về Bác Hồ là vấn đề tư liệu. Bởi mỗi câu chuyện về Bác có rất nhiều cách diễn đạt, cách nói, cách kể khác nhau trong những tư liệu khác nhau, ta gọi là những phiên bản khác nhau.
Do đó, phải làm thế nào để lọc ra được những thông tin chân thực, chính xác nhất để kể về Bác và làm thế nào để tầm vóc, ảnh hưởng của Bác hiện lên rất rõ nét.
Khó khăn thứ hai là mỗi một đối tượng đều có trình độ, kinh nghiệm sống khác nhau và tâm trạng, nhận thức khác nhau nên nhu cầu học tập, làm theo lời Bác cũng khác nhau.
Vì thế, để trong một buổi nói chuyện về Bác Hồ với đông đảo người dân mà thỏa mãn được cái chung thì phải chọn những điều phổ biến nhất, có sự gặp gỡ của tất cả mọi người để đem lại hiệu ứng, sức lan tỏa giữa người nói và người nghe.
Mặc dù đã nghỉ hưu từ năm 2016 nhưng GS.TS Hoàng Chí Bảo vẫn nghiên cứu và lên lớp giảng dạy các chuyên đề về đào tạo cán bộ nguồn của Trung ương, các lớp học nghiên cứu sinh, cùng với việc truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh khắp cả nước (Ảnh: Nguyễn Hải).
Để làm được điều này, đòi hỏi người kể chuyện về Bác phải rèn luyện bản lĩnh, thậm chí đến mức hóa thân vào Bác Hồ mới thấu hiểu được về Bác và điều mình truyền đạt mới thực sự chân thành, rung động từ trái tim mình đến với nhiều trái tim khác, để cảm nhận được sự đồng thuận.
Tôi vẫn tâm niệm suốt đời phải rèn luyện điều này dù không đơn giản, và chính quá trình rèn luyện đó sẽ làm mình tốt hơn, trong sáng hơn, đúng như nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn".
Theo tôi, những thuận lợi lớn nhất hiện nay là trong Đảng, trong dân, trong xã hội chúng ta, kể cả đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài, tình thương yêu với Bác Hồ vẫn nguyên vẹn. Và tình cảm của nhân dân ta với Đảng, với Bác Hồ có thể nói là vô cùng đằm thắm và sâu sắc, vượt qua mọi thời gian tình thương yêu ấy lại càng trở nên bền vững hơn.
Thuận lợi này chúng ta phải cố gắng tận dụng triệt để, khai thác nó để tạo ra sức tác động tổng hợp của tất cả mọi người, của mọi đối tượng để làm cho câu chuyện giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự trở thành một giá trị văn hóa, động lực tinh thần giúp mọi người xích lại gần nhau, củng cố đoàn kết và vượt qua các khó khăn.
Chân thành phải mang phong cách dung dị, sâu sắc của Bác Hồ
Trải qua hơn 50 năm nghiên cứu về cuộc đời, con người Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo sư học hỏi, rút ra những bài học, kinh nghiệm quý báu nào?
- Nghiên cứu về Bác, truyền bá tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, tôi tự thấy mình rút ra được nhiều bài học bổ ích với bản thân rồi đến bạn bè xung quanh.
Bài học đầu tiên tôi tự đúc rút là việc tích lũy tư liệu, tích lũy kiến thức, tích lũy hiểu biết phải làm thường xuyên.
Nói như Bác Hồ ngày nào cũng phải học, ngày nào cũng phải viết, ngày nào cũng phải suy nghĩ và khi nó thường trực trong mình suy nghĩ như thế sẽ tự tạo ra một sức mạnh cả về tri thức và phương pháp để rèn luyện bản thân.
Kinh nghiệm thứ hai, thuộc về phương pháp tuyên truyền, bản thân tôi là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu và việc tuyên truyền về Bác Hồ như là một sự thôi thúc từ trái tim. Cho nên tôi thấy điều quan trọng nhất trong việc tuyên truyền là sự chân thành, nếu không chân thành mình không thể có sức thuyết phục mọi người.
GS.TS Hoàng Chí Bảo trong một lần trò chuyện với báo Dân trí về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Ảnh: Mạnh Quân).
Tôi cho rằng sự chân thành rất quan trọng, và chân thành lại phải mang được phong cách của Bác Hồ là dung dị, sâu sắc, tự nhiên chứ không lên gân, không đại ngôn, không sáo rỗng.
Theo tôi, sự chân thành ấy vừa là tư tưởng, vừa là phương pháp, vừa là đạo đức.
Điều quan trọng là tôi học Bác sự khiêm tốn, giỏi bao nhiêu vẫn phải khiêm tốn còn kiêu ngạo, tự mãn một chút cũng đã là hư hỏng.
Và đặc biệt nữa, cuộc đời Bác Hồ là biểu tượng của sự hy sinh, dù khó khăn, gian khổ như thế nào Bác đều vượt qua hết, phải lấy bài học đạo đức đó của Bác làm bài học rèn luyện cho chính mình để vượt qua mọi khó khăn.
Cuộc sống có thể có rất nhiều điều mình không hài lòng và trong cuộc đời của mỗi người theo số phận cũng có những điều không may mắn, nhưng mọi người phải gạt bỏ hết những điều đó để luôn luôn giữ được một sự trong sáng.
Đã đứng trên bục giảng để nói về Bác Hồ tôi phải dặn lòng rất trong sáng mới có khả năng đem lại niềm tin, sự chia sẻ, đồng cảm cho những người nghe mình nói.
Mỗi một lần nói chuyện về Bác và nhận được cảm xúc từ người nghe, đó chính là hạnh phúc của tôi; hạnh phúc đó không thể đo đếm được như kiểu vật chất mà nó là giá trị tinh thần bền bỉ mà suốt đời tôi phải phấn đấu, rèn luyện như Bác Hồ đã từng làm.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã dành hơn 50 năm nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: Nguyễn Hải).
Trong quá trình nghiên cứu về con người Bác Hồ, giáo sư ấn tượng nhất về Bác Hồ điều gì?
- Tôi cứ nghĩ mãi tại sao một người vĩ đại như Bác mà lúc ra đi trên ngực áo không có một tấm huân chương nào. Đó là Bác Hồ khiêm tốn vô cùng.
Quốc hội trao tặng bác Huân chương Sao Vàng là huân chương cao quý nhất nhưng Bác khiêm tốn từ chối. Bác nói một câu là Bác chưa xứng đáng để nhận Huân chương Sao Vàng.
Bác giới thiệu Quốc hội chỉ nên tặng bác Tôn Đức Thắng. Tặng bác Tôn Đức Thắng là tặng cả miền Nam. (Bác Tôn Đức Thắng là người bạn chiến đấu suốt đời của Bác. Sau khi Bác Hồ mất, bác Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước).
Bác nói là còn với Bác, Bác chưa làm tròn nhiệm vụ với miền Nam, miền Nam chưa giải phóng, đồng bào còn đau thương, bất hạnh như vậy, Bác cảm thấy mình chưa làm tròn nhiệm vụ.
Lời nói từ trái tim Bác nó chạm tới trái tim tôi. Bác coi dân tộc là gia đình của Bác, là hạnh phúc của Bác và đấy là một trong những ấn tượng sâu sắc mà tôi tiếp nhận từ Bác Hồ.
Hai nữa khi nghiên cứu các tác phẩm của Bác, nghiên cứu các luận điểm của Bác trong suốt cả hành trình lịch sử, tôi nhận thấy Bác là con người có tầm nhìn xa trông rộng, tầm nhìn thời đại...
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh nhật Bác, GS.TS Hoàng Chí Bảo mong muốn thế hệ trẻ cố gắng mỗi ngày làm một việc tốt, suốt đời học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác và đừng bao giờ quên lời Bác tặng cho thanh niên bây giờ thành danh ngôn:
Trân trọng cảm ơn GS.TS Hoàng Chí Bảo và chúc giáo sư luôn mạnh khỏe.
Sau khi nghỉ hưu từ năm 2016 đến nay, GS.TS Hoàng Chí Bảo vẫn nghiên cứu và lên lớp giảng dạy các chuyên đề về đào tạo cán bộ nguồn của Trung ương, các lớp học nghiên cứu sinh, cùng với việc truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh khắp cả nước.
Giáo sư Bảo được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba và nhiều giải thưởng về sách hay Việt Nam, giải thưởng Báo chí quốc gia…